Thứ Năm, 26 tháng 5, 2011

Bí ẩn kỳ lạ 3 lần nhập quan của Từ Hy Thái Hậu

   Được xem là người phụ nữ nắm quyền lực cao nhất của đế quốc Trung Hoa- nơi vốn có tư tưởng kỳ thị phụ nữ nặng nề, Từ Hy Thái Hậu đã viết nên một trang sử mới cho lịch sử gần 5000 năm của đất nước rộng lớn này. Không chỉ được người đời nhớ đến khi còn sống, Từ Hy còn được ghi vào sử sách Trung Quốc về một đám tang chẳng giống ai và thi hài 3 lần nhập quan mà vẫn chưa được an nghỉ.

Từ Hy Thái Hậu
Đám tang “đông tây lẫn lộn”

Cuộc đời của Từ Hy Thái hậu gắn liền với triều đại Mãn Thanh - triều đại cuối cùng của chế độ phong kiến Trung Hoa đang trong giai đọan suy tàn và khủng hoảng tột độ. Từ một mỹ nữ trong dân dã được chọn vào cung làm quý nhân, rồi từ địa vị quý phi nhảy lên ngôi thái hậu, thâu tóm quyền lực, gây bao tội ác. Vì thế đến khi từ giã cõi đời, Từ Hy cũng đã chết trong cô độc khi bá quan văn võ không một ai dám động vào xác của bà. 

quang cảnh đám tang Từ Huy


   Vào một ngày tháng 10 năm 1908, Từ Hy Thái Hậu đã trút hơi thở cuối cùng khi công trình lăng tẩm của bà vừa hoàn thành trước đó đúng 4 ngày sau 13 năm xây dựng đằng đẵng. Cũng giống như các hoàng hậu và phi tần khác của triều đình Mãn Thanh, Từ Hy được chôn cất tại Đông Lăng- nghĩa trang hoàng gia của hai triều Minh, Thanh nằm trong thành phố Tuân Hóa tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Qua 272 năm tồn tại, Đông Lăng là nơi an nghỉ thiên thu của 5 vị hoàng đế, 15 hoàng hậu, 136 phi tần... Từ Hy thái hậu cũng nằm tại đây bên cạnh những tiền bối lừng danh như hoàng đế Khang Hy, Càn Long, Hiếu Trang hoàng hậu...
Mặc dù nền văn minh của thế giới đã đến Trung Quốc vào cuối thế kỷ 19, nhưng là một người của hoàng tộc nên đám tang của Từ Hy vẫn diễn ra theo đúng truyền thống và quy định của hoàng gia. Tuy nhiên, một điều cực kỳ lạ lùng là ngoài những vật phẩm bằng vàng mã truyền thống ra, người ta còn cho đốt rất nhiều những loại vàng mã chưa bao giờ xuất hiện tại các đám tang ở Trung Quốc khi đó như: tiền giấy, đồng hồ, tủ... cho vị Thái hậu này.

 
Trước khi tang lễ được cử hành tưng bừng 2 ngày, theo lệnh của Từ Hy, Lý Liên Anh- thái giám thân cận nhất của vị thái hậu này đã cho đốt hàng trăm đội quân bằng giấy nhằm để dẹp đường và bảo vệ Từ Hy khi xuống... âm phủ. Khác với những đoàn binh sỹ trong triều đình, đội binh sỹ dẹp đường lần này cho Từ Hy vô cùng đặc biệt, họ đều mặc đồ tây và ôm súng khư khư trước ngực. Nhiều quan chức trong triều đình khi đó còn mỉa mai rằng: “Phải bồng súng thì xuống âm phủ mới có thể chiến đấu được với binh lính đến từ phương Tây”(?)

Trong đám tang đình đám vào năm đó, chiếc quan tài của Từ Hy được đặt trong một chiếc xe kéo lớn được trang trí cực kỳ tinh xảo và cầu kỳ diễu qua khắp các con phố của thủ đô Bắc Kinh. Đi đầu đám tang là một nhóm kỵ binh mặc quân phục hiện đại, tiếp đến là một đoàn ngựa bạch nhỏ và hàng trăm binh lính đi sau để đổi nhau khiêng quan tài. Đằng sau nữa còn có một nhóm kỵ binh tay cầm giáo dài có treo những lá cờ màu đỏ và nhóm kỵ binh mang súng. Họ đều là người của cấm vệ quân triều đình. Sau cùng là đoàn nô tì mặc quần áo đỏ và cầm những lá cờ đủ màu sắc cũng như những dải lụa treo rủ. Đoàn người cầm cờ nhiều tới mức khiến người ta tưởng rằng, tất cả số cờ trong hoàng cung đã được đem ra để đưa tiễn Thái hậu…

  Sau khi tổ chức đám tang với quy mô rầm rộ, Từ Hy đã được an táng tại Đông Lăng. Được biết, công trình này đã xây dựng trong vòng 13 năm với kinh phí lên tới hàng triệu vạn lượng bạc. Không những thế sau khi chết, đồ bồi táng trong quan tài của Từ Hy là cả một kho vàng bạc châu báu. Đây chính là nguyên nhân khiến cho lăng mộ của bà trở thành mục tiêu săn lùng của những tên đào mộ cướp kho báu khét tiếng sau này.

Mộ Từ Hy và những điều bí ẩn

Là một người rất thích các loại đồ vàng ngọc, trân châu, mã não, đá quý... Vì thế trước khi chết, Từ Hy đã lên kế hoạch đem vào quan tài của mình những trang sức quý giá để nếu có xuống suối vàng thì bà cũng có cái để...  dùng dần. Trong tài liệu lịch sử mà giới sử gia Trung Quốc còn lưu lại đến giờ vẫn còn ghi đầy đủ “kho báu” đã chôn theo Thái hậu Từ Hy vào năm 1908.

Trong bộ sách “Ái Nguyệt Hiên” bút ký do Lý Liên Anh- thái giam thân cận nhất của Từ Hy có ghi chép rõ ràng chủng loại, số lượng, vị trí và giá trị của các đồ tùy táng trong lăng mộ Từ Hy. Theo đó, trong quan tài phía dưới lót bằng gấm quý đan sợi tơ vàng dày 7 tấc, có đính 2.604 hạt trân châu, 85 viên đá quý, 203 miếng bạch ngọc. Phủ trên thi hài Từ Hy là tấm chăn thêu bộ kinh Đà La Ni bằng tơ vàng với 25.000 chữ, trên chăn đính 820 viên trân châu.

Khi nhập liệm, Từ Hy đội mũ phụng quán, trên mũ có gắn một viên trân châu to bằng quả trứng gà, theo giá đương thời là hơn 10 triệu lượng bạc trắng. Trong miệng Từ Hy ngậm một viên minh châu, tương truyền có thể phát sáng trong đêm xa ngoài 100 bước. Trên cổ bà còn đeo 3 xâu chuỗi, trong đó 2 chuỗi bằng trân châu, 1 chuỗi bằng hồng bảo thạch. Thân mình Từ Hy mặc lễ phục dệt bằng sợi tơ vàng; tay cầm một nhánh hoa sen bằng ngọc. Ngoài ra, bên người còn đặt các đồ bồi táng như tượng Phật bằng vàng, ngọc; các đồ bằng san hô, đá quý các loại.

Và để “kho báu” này có thể an toàn nằm trong lăng mộ của mình mà không bị bọn trộm ngó tới, chính Từ Hy đã đôn đốc cho xây dựng lăng tẩm cực kỳ quy mô mang tên “Kim-Mộc-Thạch tam tuyệt” cho riêng bà. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn ở thời điểm đó thì lăng mộ này “bất khả xâm phạm”.

Theo “Thanh sử” ghi chép, chỉ riêng số vàng lá dùng đắp trong 3 đại điện của lăng mộ Từ Hy đã là 4.592 lượng vàng. Tổng cộng có 2.400 con rồng vàng và 64 chiếc cột chạm trổ hình rồng, dơi đều thếp vàng thật. Đó là kim tuyệt

Những rường cột trong ba đại điện đều làm bằng loại mộc thượng phẩm: gỗ lê hoa vàng. Loại gỗ này nay đã gần như tuyệt tích, rất rắn chắc, vân gỗ dày mà đẹp, về giá cả, có thể nói là “tấc gỗ, tấc vàng”. Riêng quan tài của Từ Hy được chế từ thứ gỗ quý hơn nữa: Nam mộc tơ vàng. Đó là mộc tuyệt.

Tất cả đá dùng trong lăng mộ Từ Hy đều là loại Hán bạch ngọc thượng phẩm, được điêu khắc cực kỳ tinh xảo. 76 trụ trong điện đều chạm hình “Nhất phụng áp song long”-hai phụng đè một rồng, thể hiện quyền uy vô thượng của vị thái hậu này, phá vỡ quy tắc “rồng trên phụng dưới” bao đời. Cho nên mới gọi là thạch tuyệt.

Bí ẩn 3 lần nhập quan

   Với một số lượng lớn trang sức và của cải được chôn theo mình, lăng mộ của Từ Hy thực sự đã được yên ổn trong vòng 20 năm đầu tiên. Vào một ngày tháng 10 năm 1928, Tôn Điện Anh- quân đoàn trưởng quân đoàn 12 của Quốc dân đảng đã dùng pháo binh mở đường khai quật lăng mộ Từ Hy. Kết quả là, quan tài của Từ Hy đã bị phá hủy, xác của bà đã bị “quẳng” ra khỏi quan tài và tất cả những gì quý giá nhất đều bị lấy đi một cách thô thiển. Theo sử sách Trung Hoa còn ghi lại, trong đợt khai quật lần này, Tôn Điện Anh chỉ để lại cho Từ Hy đúng một chiếc quần.. lót trên người.

Được biết, khi quân lính của Tôn Điện Anh dùng dao nạy quan tài Từ Hy ra thì: “Lúc ấy, có một thứ ánh sáng chói lòa, binh sĩ mỗi người cầm một chiếc đèn pin lao tới đều đứng sững kinh ngạc. Nhìn vào quan tài, Tây Thái hậu diên mạo như còn sống, thấy rõ ở ngón tay mọc lông trắng dài cả tấc... Châu báu đầy trong quan tài, cấp bậc lớn thì lấy thứ lớn, quân lính thì lấy thứ nhỏ. Trưởng quan chỉ huy hạ lệnh lột long bào, lấy sạch châu báu trên đó...”.

Tin về Tôn Điện Anh trộm báu vật ở Đông Lăng mau chóng lan ra toàn Trung Quốc, các đoàn thể xã hội liên tiếp gửi điện đến chính phủ Quốc dân Đảng yêu cầu nghiêm trị kẻ chủ mưu trộm lăng. Lúc này, Tưởng Giới Thạch đã hạ lệnh đưa Từ Hy trở lại quan tài và để vào đó những báu vật đã thu giữ được.

   Vào năm 1983, một tổ công tác bao gồm 13 người đã được thành lập để tu bổ lại di hài cũng như lăng mộ của Từ Hy. Khi mở quan tài lần này ra, cũng giống như lần đầu tiên, nhà sử học Ninh Ngọc Phúc- người đứng đầu tổ công tác này cho biết: “ Lịch sử đã lặp lại khi vừa mở nắp áo quan, một thứ ánh sáng chói lòa đã làm cho các nhà khoa học lúc đó ngỡ ngàng. Di thể của Từ Hy hầu như vẫn còn nguyên vẹn”. Cũng theo ông Ninh Ngọc Phúc, sau khi nhìn thấy hiện trạng, tổ công tác đã báo cáo lên Bộ văn hóa và lịch sử Trung Quốc. Ngay tức khắc, Bộ này đã có thông báo: “Đậy nắp quan tài của Từ Hy và giữ nguyên hiện trạng”.

Để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ lưu giữ xác của Từ Hy một cách trọn vẹn nhất, vào tháng 4 năm 1984, một lần nữa tổ công tác của ông Ninh Ngọc Phúc đã lại tiến hành mở nắp quan tài của bà Thái hậu.  Trong đợt kiểm tra lần này, tổ công tác đã tìm thấy trong tay phải của Từ Hy có một chiếc túi nhỏ, trong đó có 1 chiếc răng và 2 chiếc móng tay của bà. Đây là những vật phẩm mà vào năm 1928, Tôn Điện Anh đã không màng tới và lấy trộm đi. 

Đám tang Từ Hy theo lối đông tây kết hợp
  Sau khi phun chất sát trùng để tẩy uế, các nhà khoa học Trung Quôc đã tu bổ lại di thể của Từ Hy bằng những vật dụng chuyên môn nhằm giữ nguyên được xác ướp vốn đã hoàn chỉnh của bà. Được biết, mặc dù trên cơ thể của Từ Hy đã xuất hiện nhiều vết nứt, tuy nhiên da của bà vẫn dính chặt vào xương. Vì vậy, tổ công tác đã không cần phải dùng đến dây đặc dụng để “chẳng buộc” cơ thể.


Xác Từ Hy năm 1983

   Mọi công tác “tu bổ và bảo dưỡng” hoàn thành chỉ sau 1 ngày. Di thể cuối cùng của Từ Hy khi đưa lại vào quan tài có chiều cao 1m60. Tất cả những vật dụng quý như trang sức, áo choàng, chân trâu... lấy lại được từ vụ trộm năm 1928 vẫn để y nguyên trong nơi an nghỉ cuối cùng của vị Thái Hậu quyền lực này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét