Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2011

Chuyện tình các kỹ nữ lừng danh Trung Quốc

Kỹ nữ được "người hâm mộ" chuộc ra khỏi lầu xanh là chuyện thường. Riêng nàng kỹ họ Khấu lại làm điều ngược lại: quay về kỹ viện kiếm tiền để chuộc mình khỏi... nhà chồng.

Trong làng kỹ nữ Trung Quốc, có không ít người con gái không chỉ tài sắc mà còn có tâm hồn cao quý, khiến người đương thời và cả hàng nghìn năm sau đều tiếc thương, quý trọng.

Khấu Bạch Môn dùng tiền “ly dị” chồng

Nhan sắc mặn mòi, lại thêm tinh thông cả thơ, nhạc, họa, Khấu Bạch Môn là cái tên nổi tiếng trong làng ca kỹ ở  Kim Lăng thời cuối nhà Minh. Năm nàng 17 tuổi, nàng lọt mắt xanh một vị đại thần là Chu Quốc Bật, được cưới về phủ. Theo tục lệ thời đó, các cô gái thuộc giới ca kỹ nếu may mắn lấy chồng đều không được đưa dâu vào ban ngày. Vì thế, Chu Quốc Bật đã sai 5.000 quân lính cầm đèn hoa suốt từ “nhà gái” đến phủ của mình, còn người đẹp Khấu Bạch Môn trang điểm lộng lẫy, bước lên kiệu hoa, chấm dứt cuộc đời lênh đênh của kỹ nữ. Nhưng chỉ sau vài tháng, vị quan hiếu sắc đã chán nàng, bỏ đi tìm “hương vị” mới.

Đến khi nhà Thanh chiếm trung nguyên, Chu Quốc bật bị giam lỏng, túng bấn bèn nghĩ đến chuyện bán bớt tỳ nữ. Nàng Khấu Bạch Môn từng được rầm rộ rước về cũng nằm trong số đó. Nén cay đắng, nàng nói với Chu: “Chàng bán thiếp đi may lắm chỉ được trăm lạng bạc. Chi bằng chàng để thiếp trở về Nam, chỉ trong một tháng sẽ kiếm vạn lạng đền ơn chàng”. Chu đồng ý, thế là nàng Khấu một mình quay lại chốn yên hoa, kiếm đủ hai vạn lạng gửi cho chồng.


 
 
Chu Quốc Bật có tiền lại muốn sum vầy với người đẹp, nhưng nàng kiên quyết dứt tình: “Xưa chàng dùng bạc chuộc thiếp ra, nay thiếp lại dùng bạc trả ơn, ân tình giữa chúng ta coi như đã hết”. Sau này, Khấu Bạch Môn có gắn bó với một người khác, nhưng chẳng được bao lâu đã quay lại kiếp cầm ca, rồi chết vì bệnh, khiến nhiều người thương tiếc.

Lý Hương Quân – kỹ nữ chung tình

Cũng đẹp, cũng tài bậc nhất trong đám nữ lưu, nhưng Lý Hương Quân được người đời nhớ mãi vì sự chung tình. Là kỹ nữ trong Mỵ Hương lâu trên sông Tần Hoài, mới 16 tuổi, nàng đã danh nổi như cồn, khách phong lưu ai cũng ao ước một lần gặp mặt. Dù được các nhà đại phú theo đuổi, nàng lại yêu Hầu Phương Vực, một thư sinh. Theo lệ, khách muốn kỹ nữ nào chỉ phục vụ riêng mình thì phải đóng một số tiền lớn. Với một kỹ nữ nổi danh như Hương Quân, món tiền này không phải là thứ mà chàng thư sinh có thể lo được, vì thế cả hai bắt được vàng khi Hầu lang được một người bạn giúp trang trải khoản đó.

Một thời gian sau, biết người cho tiền mình thực chất là Nguyễn Đại Việt, một tên quan vô lại bị thất sủng đang tìm cách lấy lòng kẻ sĩ, Hầu Phương Vực tìm mọi cách trả lại, Hương Quân đã phải bán hết nữ trang, vay mượn để giúp chàng. Trả lại tiền là gây oán với Nguyễn Đại Việt, vì vậy khi tên này đắc thế và ra tay trả thù, Hầu lang phải ra đi lánh nạn. Kể từ đó, dù hàng trăm công hầu, khanh tướng ngày ngày đem tiền nghìn bạc vạn đến cầu, Hương Quân một mực đóng cửa chờ tình lang.

Để trả thù, Nguyễn Đại Việt xúi một vị đại quan lấy Hương Quân về làm thiếp. Thấy quân lính đến “rước” mình, biết không cưỡng lại được, nàng nhảy lầu tự tử. Thấy giai nhân nằm trên mặt đất, đầu đầy máu, đám rước dâu tan. Không từ bỏ mối thù, Nguyễn Đại Việt chờ  Hương Quân lành vết thương để lấy danh nghĩa hoàng đế bắt nàng vào cung hầu hạ. Đến khi quân Thanh đánh vào, nàng mới chạy thoát khỏi cung điện, may được thầy dạy  nhạc ngày xưa che chở.


 
 
Cảm động trước sự trung trinh của cô gái đang chết dần vì bệnh lao vẫn một lòng nhớ tình lang, người thầy cất công đi tìm Hầu Phương Vực, người cũng đang đi khắp nơi tìm nàng. Nhưng khi Hầu lang đến nơi thì người con gái tài sắc, tiết liệt đã trút hơi thở cuối, chỉ để lại cho chàng món tóc đặt trên chiếc quạt chàng tặng ngày xưa. Chiếc quạt này vương máu Hương Quân khi nàng nhảy lầu tự sát, bạn của Hầu Phương Vực đã cảm động lựa theo vết máu vẽ hình hoa đào, rồi vẽ thêm cành lá thành bức tranh tuyệt đẹp. Kể từ đó, chiếc quạt càng được Hương Quân coi như báu vật, không lúc nào rời cho đến lúc tàn hơi.

Biện Ngọc Kinh – hồng nhan đa truân

Nàng là một người bạn thân của Lý Hương Quân, tài sắc chẳng thua là bao mà sự bất hạnh về tình duyên lại càng không kém cạnh. Biện Ngọc Kinh vốn con nhà quan, do cha mất sớm nên mới lưu lạc làm ca kỹ, nổi tiếng là tinh thông văn sử, vẽ đẹp, thơ hay, khiến ai gặp cũng thần hồn điên đảo.

Với tài thơ và tâm hồn lãng mạn đó, khi gặp Ngô Mai Thôn, một thi sĩ lừng danh thời bấy giờ, nàng lập tức phải lòng và cũng được đáp lại. Tình cảm hai bên ngày càng thắm thiết. Ai cũng cho họ là một cặp trời sinh, còn nàng Biện thì chỉ chờ về làm vợ Mai. Thế nhưng chàng thi sĩ tài hoa lại là kẻ bạc tình. Biết nàng bị “ngắm” vào danh sách tuyển mỹ nữ cho hoàng đế, chàng không muốn liên lụy nên chỉ đứng đằng xa thổi vài khúc nhạc rồi bỏ đi.

Biện Ngọc Kinh không phải nhập cung, sau đó được một vị quan lấy làm vợ lẽ, nhưng cuộc sống chẳng an vui nên chỉ một thời gian đã bỏ đi. Nàng xuống tóc, làm một nữ đạo sĩ ở Tô Châu, từ bỏ ái tình, ăn chay trường, giữ giới luật, suốt ba năm dùng máu viết xong cuốn Pháp Hoa kinh.

Một ngày, nàng tình cờ gặp lại Ngô Mai Thôn và biết chàng cuộc đời cũng nhiều u uất và vẫn tơ tưởng đến mình. Nàng chơi lại khúc nhạc của chàng khi trước, chàng viết một bài thơ thê lương tặng lại, và họ lại mỗi người mỗi ngả. Biện Ngọc Kinh ẩn cư trên núi, rồi qua đời lặng lẽ, kết thúc một cuộc đời hồng nhan đa truân.

Nàng kỹ nữ trẫm mình vì nước

Cũng sống ở thời cuối Minh đầu Thanh, Liễu Như Thị nổi tiếng không Lý Hương Quân và Biện Ngọc Kinh. Rời chốn phấn son, nàng về làm vợ ông quan Tiền Khiêm Ích. Khi quân Thanh xâm lược, Liễu Như Thị hết sức khuyên chồng giúp vua Minh chống trả. Nhà Minh mất,  nàng lại cố thuyết phục Tiền Khiêm Ích cùng mình tự tử để tận trung báo quốc. Hai vợ chồng ra hồ trẫm mình, nhưng họ Tiền lấy cớ nước lạnh, lại tuổi cao sức yếu nên năm lần bảy lượt không chịu xuống. Liễu Như Thị phẫn uất nhảy xuống nước một mình, nhưng họ Tiền hô mọi người cứu lên.

Sau đó, ông ta đầu hàng nhà Thanh, đi Bắc Kinh nhận chức, Liễu thị không theo. Và với ảnh hưởng của vợ, sau nửa năm, Tiền Khiêm Ích lại bỏ về quê. Liễu Như Thị hết sức cổ vũ, ủng hộ chồng tham gia các phong trào kháng Thanh phục Minh.

Vì thế, mặc dù xuất thân là kỹ nữ nhưng Liễu Như Thị được các danh sĩ, trí thức vô cùng kính trọng. Khi Tiền Khiêm Ích chết, nàng tự vẫn bằng một dải lụa trắng.

Người vợ bản lĩnh của Tào Tháo

Rất nhiều hậu phi của Trung Quốc có xuất thân kỹ nữ như Triệu Cơ (mẹ Tần Thủy hoàng), Triệu Phi Yến, Đổng Tiểu Uyển… nhưng ít ai biết rằng, vợ Tào Tháo, mẹ hoàng đế đầu tiên của nhà Ngụy, cũng bước ra từ chốn phấn hương. Không rõ tên thật của bà là gì, chỉ biết bà họ Biện, xuất thân kỹ nữ, lưu lạc tới huyện Tiêu nước Bái nơi Tào Tháo ở. Năm 20 tuổi, bà trở thành vợ thứ hai của Tào Tháo, lúc đó là huyện lệnh huyện Đốn Khâu. Tào Phi, Tào Chương, Tào Thực và Tào Hùng, những người con nổi bật nhất của Tào Tháo, đều do bà sinh ra.

Tuy là vợ thứ nhưng Biện phu nhân được chồng khâm phục vì bản lĩnh rất lớn. Khi Tào Tháo chạy trốn khỏi sự truy nã của Đổng Trác, do có tin đồn ông ta đã chết nên cả nhà hoảng sợ cuống cuồng. Riêng bà vẫn bình thản khuyên mọi người đừng vội tin khi chưa có bằng chứng. Quả nhiên sau đó, Tào Tháo bình an quay về.

Biện thị cũng được khen là người ăn ở độ lượng, có trước có sau. Vợ cả của Tào Tháo là Đinh thị, sau khi con trai chết thường bất hòa với chồng, cuối cùng bỏ về nhà cha mẹ, Tháo năn nỉ thế nào cũng không về. Biện phu nhân nhiều lần làm người hòa giải cũng không xong nên những khi chồng vắng nhà thường đón Đinh thị về chơi, phụng thị rất tử tế. Con gái của Đinh thị cũng được bà nuôi dạy chu đáo. Sau này khi cháu nội là Tào Tuấn lên làm vua, bà còn bảo cháu phong vương cho con trai một vợ lẽ của chồng mình, vốn bị bỏ quên.

Tuy không phải vợ cả, xuất thân hèn kém nhưng Biện phu nhân lại là người vợ có danh vọng nhất của Tào Tháo. Khi Tháo được phong vương, bà trở thành Ngụy vương hậu. Con cả là Tào Phi kế nghiệp, bà được tôn là vương thái hậu, rồi thành hoàng thái hậu khi Tào Phi xưng đế, và là thái hoàng thái hậu khi cháu nội lên nối ngôi.

Nỗi oan khiên vì sắc đẹp

Thân là kỹ nữ, chịu oan khiên là lẽ thường tình, nhưng nỗi oan đến như Trần Viên Viên thì quả là quá nặng. Chỉ vì quá tài sắc, vô tình bị gán cho cái tội tày đình là làm sụp đổ giang sơn.

Nổi danh là đệ nhất Giang Nam bát diễm (8 nhan sắc bậc nhất Giang Nam), Viên Viên được hoàng hậu của Sùng Trinh hoàng đế đón từ kỹ viện về cung nhằm phá vỡ sự sủng ái của vua đối với một quý phi. Được ít lâu, nàng bị đưa ra khỏi cung vì được nhà vua quá sủng ái, rồi được gả cho tướng Ngô Tam Quế. Quế vô cùng sủng ái nàng.

Trong lúc Ngô Tam Quế ra trận đánh quân Thanh, Viên Viên lọt vào tay Lý Tự Thành khi Lý cướp ngôi của vua Sùng Trinh. Ít lâu sau, Ngô Tam Quế đầu hàng, dẫn quân Thanh về tiêu diệt Lý Tự Thành rồi chiếm luôn Trung Quốc. Người ta cho rằng, Quế phản bội chỉ vì muốn chiếm lại Trần Viên Viên. Người đời không ngần ngại đổ lên đầu nàng cái tội làm mất nước, nguyền rủa rằng vì nàng mà hàng vạn người phải chết thảm.

Cả cuộc đời làm đồ chơi trong tay đàn ông, chịu đủ tiếng xấu nhưng Trần Viên Viên không được đền bù lại bằng một chút hạnh phúc nào. Ngô Tam Quế khi được vua Thanh phong vương đã e ngại về xuất thân của Viên Viên nên cưới vợ khác và đưa Viên Viên vào tu trong một ngôi chùa. Nàng trút hơi tàn trong nỗi cô đơn, khi tuổi còn khá trẻ. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét