Thứ Hai, 13 tháng 6, 2011

Dạo Chơi Phủ Khai Phong

ằm trước mặt, về phía bên tay phải của toà Long Đình đại điện ở trung tâm thành phố cổ Khai Phong có một hồ nước rộng mêng mông. Ở đó, sáng chiều luôn có bóng dáng những chiếc du thuyền đưa du khách dạo chơi, hồi tưởng về những năm tháng xa xưa khi Khai Phong hãy còn là kinh đô phồn hoa bậc nhất thế giới. Hơn 1.000 năm trước, chính ở khu vực hồ này là Khai Phong phủ, là nơi làm việc của một nhân vật có thật trong lịch sử Trung Hoa thời Bắc Tống: Bao Chửng, còn gọi là Bao Công.
9 giờ sáng, tôi hăm hở vào phủ Khai Phong. Không phải để... đánh trống kêu oan mà là tham quan nơi mà hơn 1000 năm trước, Phủ doãn phủ Khai Phong Bao Công cùng đội quân giúp việc của ông với Công Tôn Sách,Triển Chiêu, Vương Triều, Mã Hán, Trương Long, Triệu Hổ… đã sống và làm việc mỗi ngày.
 

Chính môn Khai Phong phủ
 
 Thật ra, đây chỉ là một công trình phục dựng, cách nền cũ ngày xưa chỉ vài phút đi bộ. Với diện tích 4 ha, phủ Khai Phong có thành lầu, nha môn, nhà khách, nhà lao, phòng xử án, nơi làm việc của thư lại… tạo thành một quần thể di tích độc đáo, mỗi năm thu hút cả triệu lượt khách đến tham quan. Đi lại trong phủ Khai Phong, du khách có cảm giác mình là con người của quá khứ bởi quần thể kiến trúc, vật dụng sinh hoạt ở đây được xây dựng theo đúng các kiến trúc thời Bắc Tống. Công trình sinh động, “y như thật” vì vậy năm 2007, nó được trao giải thưởng Lỗ Ban cho công trình phục cổ đẹp nhất Trung Hoa.
 


Nghi môn, nơi tiếp khách của quan lại phủ Khai Phong. 3 chữ trên phiến đá lớn ở trước sân là "Công - Sinh - Minh"
 
Qua cổng phủ là Nghi môn, nơi tiếp khách của quan lại phủ Khai Phong. Nhìn về phía đông Nghi môn, thấy có một chiếc trống to gọi là “trống kêu oan”. Chợt có một du khách nào đó gióng lên những hồi trống cấp bách, khiến người ta liên tưởng đến những kẻ khốn cùng bị kẻ ác hãm hại, đến đây dập đầu nhờ Bao Chuẩn thăng đường tra xét, minh oan. Sau Nghi môn là Tứ hợp viện - nơi làm việc của các cấp quan lại trong phủ Khai Phong. Tôi dừng chân trước một phiến đá lớn viết ba chữ “Công - Sinh - Minh” bằng sơn đỏ. Trên bia đá khắc 16 chữ: “Nhĩ bổng nhĩ lộc - Dân cao dân chi - Hạ dân di nhược - Thượng thiên nan khi”, đại ý: “bổng lộc của quan là máu thịt của dân, dân chúng dễ dàng bị bức hiếp nhưng trời cao thì không dễ”. Trong những năm làm việc ở đây, Bao Công đã hoàn thành xuất sắc vai trò một mệnh quan nhất nhị phẩm triều đình, được bá tánh tin yêu, phải chăng vì đã thấm nhuần những lời răn trong "Công - Sinh - Minh".
 

Long đầu đao, Hổ đầu đao và Cẩu đầu đao ở phòng xử án. Nhìn thấy không giống trong phim Bao Công xử án của Đài Loan.
 
Tôi bước vào phòng xử vụ án của Bao Công với một nỗi háo hức, hy vọng được gặp ông trong giờ thăng đường với Triển Chiêu, Công Tôn Sách đứng tả hữu hai bên, ở bên dưới phía trước là 3 chiếc Long đầu đao, Hổ đầu đao và Cẩu đầu đao màu đồng đen, lưỡi thép lạnh ngắt. Không thấy Bao đại nhân đâu, chỉ thấy lố nhố những đầu người, không khí hết sức náo nhiệt, ồn ào. Hóa ra tại đây đang có dịch vụ cho thuê trang phục để du khách nhập vai Bao Công xử án. Bạn muốn làm Bao Công ngồi uy nghiêm trên công đường, vỗ án hét “khai đao” để… chụp hình lưu niệm, chỉ cần bỏ ra 10 tệ (khoảng 30 ngàn đồng Việt Nam) là sẽ được như ý.
 

Chỉ cần bỏ ra 10 tệ (khoảng 30 ngàn đồng Việt Nam) bạn sẽ được làm Bao Công trong vài phút để... chụp hình lưu niệm.
 

Trang phục của Bao Công đủ các kích cỡ cho bạn chọn lựa.
 
Ngoài phòng xử án chính, ở cuối dãy nhà chạy theo trục dọc Nam Bắc còn có một gian phòng được giới thiệu là nơi xử án “cửa sau” của Bao Công. Ánh sáng trong phòng tuy lờ mờ nhưng cũng đủ cho du khách thấy rõ những bức tượng sáp kích thước bằng người thật, mô tả cảnh Bao Công đang chăm chú lắng nghe, xem xét một vụ án, trả lại công bằng cho người dân nghèo vô tội bị hãm hại bởi bọn bất lương và đám tham quan ô lại.
Lý Xuân Lâm, hướng dẫn viên công ty du lịch Tây An giải thích, trong những tháng đầu được bổ nhiệm Phủ doãn phủ Khai Phong, Bao Công không thấy người dân đến nộp đơn kêu oan, nhờ xét xử. Tìm hiểu được biết, chính đám nha lại trong phủ đã đặt ra những thủ tục nhiêu khê để làm tiền, nếu không sẽ chặn hết các đơn kêu oan của người dân. Lập tức, Bao Công cho mở phòng xử án “cửa sau” này để tiếp nhận đơn và xét xử như một cách “hỗ trợ” người dân nghèo thấp cổ bé họng. Không biết hư thực ra sao nhưng câu chuyện từ những bức tượng sáp, những dãy nhà lao – nơi giam giữ phạm nhân chờ ngày xét xử, hành hình, xe tù, gông đeo cổ… đủ để du khách thấy và cảm nhận được cung cách làm việc tận tụy của Bao Công và các tùy tùng ở Khai Phong phủ ngày xưa.
 

Các bức tượng bằng sáp sinh động y như thật, minh họa một cảnh Bao Công xử án ở phòng xử "cửa sau", trả lại công bằng cho người nghèo bị kẻ gian hãm hại.
 

Xe tù, dùng để dẩn giải tù nhân
 
Xế trưa, trước khi rời phủ Khai Phong, tôi được xem một vở diễn tái hiện cảnh Bao Công xử án ở ngay phòng xử án, với tấm biển “quang minh chính đại” nổi bật ở trên cao. Du khách đứng chật kín sân, dõi theo tài điều tra, phá án của Bao Chửng, hồi hộp với cảnh Bao Công đấu tranh không khoan nhượng với hoàng thân quốc thích nhằm bảo vệ lẽ phải, bảo vệ dân nghèo. Vở diễn Bao Công xử chém phò mã Trần Thế Mỹ là một trong những vỡ diễn được các nghệ nhân ở đây tái hiện thường xuyên, thể hiện tính công bằng, chính trực, thượng tôn pháp luật đến tuyệt đối của Bao Công. Dù rằng chuyện cũ, diễn viên không chuyên nhưng du khách vẫn thích thú đón nhận bởi nó được diễn ngay nơi mà Bao Công đã từng sống và làm việc và bởi trong lòng mỗi du khách đều có một khát vọng công lý.
 

Một vở diễn tái hiện cảnh Bao Công xử chém phò mã Trần Thế Mỹ
 
Bên ngoài tường rào phủ Khai Phong là mấy đường phố nhỏ, nhà cửa luộm thuộm, nhếch nhác. Ở đó, có nhiều lao động nghèo sống nhờ vào bán hàng lưu niệm, những mặt hàng gắn liền với tên tuổi của Bao Công, nhưng xem ra không có mấy người mua. Hướng dẫn viên Lý Xuân Lâm cho biết, mỗi năm Khai Phong phủ đón một triệu lượt khách, đạt doanh thu 30 triệu nhân dân tệ nhờ đã gắn tên tuổi huyền thoại Bao Công vào ngành du lịch. Tuy vậy, thành công này vẫn chưa đủ sức đưa Khai Phong phát triển, đi lên. Khai Phong hiện vẫn còn là một thành phố nghèo so với các cố đô lân cận như Trịnh Châu, Lạc Dương, Tây An. Không nhiều nhà cao tầng, không nhiều các siêu thị, trung tâm mua sắm lớn, không nhiều điểm giải trí vui chơi. Ngoại trừ một khu chợ đêm ở trung tâm phố cổ. Có lẽ vì vậy mà du khách - sau khi vào Khai Phong phủ, viếng Bao đại nhân xong là lên xe một đi không trở lại?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét