Thứ Hai, 13 tháng 6, 2011

Du Lịch Trên Sông Hoàng Hà

Tại thành phố Trịnh Châu - thủ phủ tỉnh Hà Nam của Trung Quốc có một khu du lịch mang tên “Trịnh Châu Hoàng Hà phong cảnh danh thắng khu”. Khu du lịch này nằm cạnh bờ Nam sông Hoàng Hà, chủ yếu phục vụ những du khách thích ngồi du thuyền, thưởng thức những thắng cảnh và di tích lịch sử hai bên bờ. Ngày cuối cùng ở Trịnh Châu, chúng tôi quyết định góp mỗi người 250 tệ, nhờ hướng dẫn viên Lý Xuân Lâm tổ chức cho đi thăm khu du lịch này.
 
   10 giờ sáng, vượt qua một quãng đường dài, chúng tôi có mặt ở bãi đỗ xe bên bờ sông để từ đây, xuống du thuyền đi tham quan đoạn sông chảy qua phận tỉnh Hà Nam.
         Du thuyền mà chúng tôi đi có cái tên khá lạ: lưỡng thê thuyền. Nguyên thủy là thuyền quân sự, sau được cải tiến đưa vào phục vụ du lịch với khoảng 15 ghế ngồi bọc nệm, có mui. Gọi là thuyền lưỡng thê bởi nó vừa chạy được trên cạn, vừa chạy được dưới nước.


        Thuyền lưỡng thê sẵn sàng đưa du khách dạo chơi dọc sông Hoàng Hà.
Mọi người đều ồ lên thích thú khi thuyền lưỡng thê đang chạy dưới nước bỗng lao nhanh lên cồn cát ở giữa sông. Tưởng rằng sẽ rất “ xóc”, ai nấy bấu tay vào thành ghế để giữ thăng bằng. Nhưng không, thuyền vẫn lướt băng băng, rất nhẹ nhàng. Hướng dẫn viên Lý Xuân Lâm giải thích, cái độc đáo của chiếc du thuyền có giá 4 triệu tệ này là khi lướt trên bãi cạn thì chạy bằng đệm cao su, đến chỗ nước sâu thì chạy bằng động cơ gắn chân vịt.


Thuyền lưỡng thê vừa chạy được dưới nước vừa chạy được trên cạn.
Hoàng Hà là con sông dài thứ hai tại Trung Quốc với chiều dài 5.464 km được coi là sông mẹ của dân tộc Trung Hoa. Đoạn qua thành phố Trịnh Châu mà chúng tôi đang đi nước sông có một màu vàng đục, quả xứng với tên gọi Hoàng Hà. Thảo nào dân gian Trung Quốc có câu “một ca nước Hoàng Hà, có sáu lẻ phù sa”. Mùa này sông Hoàng Hà khô cạn, một số đoạn trơ đáy, không mang bộ mặt của chết chóc như người ta mô tả. Lý Xuân Lâm dẫn số liệu mà anh có được: từ năm 602 đến nay, vùng hạ lưu Hoàng Hà bị vỡ đê hơn 1.500 lần và con sông hung dữ này đã đổi dòng tới 18 lần. Vụ vỡ đê năm 1887 đã làm cho 2 triệu người thiệt mạng và hàng ngàn người bị mất nhà cửa.
           Từ trên du thuyền, chúng tôi nhìn thấy tượng Đại Vũ xa xa trên đỉnh núi. Chợt nhớ đến sử sách xưa, nói Đại Vũ là người đầu tiên tiến hành công cuộc trị thủy sông Hoàng Hà. Đại Vũ đã bỏ 13 năm cố gắng kềm chế lũ, đã bao bọc được một khoảng rất rộng lớn. Trong những năm đó, ông đã đi ngang nhà của mình ba lần nhưng vì quá bận rộn nên ông đã không thể dừng lại đó. Đây là một câu chuyện lịch sử nổi tiếng của Trung Quốc. Đại Vũ cuối cùng đã trị được nước lũ, các con sông lớn chảy theo lòng sông mình, trăm con sông đều chảy về biển phía đông, nhân dân an cư lạc nghiệp, để cảm ơn người đời sau đã tôn xưng ông là Đại Vũ.
Du thuyền tiếp tục lướt đi trên mặt sông đậm đặc một màu vàng đục. Lý Xuân Lâm chợt đưa tay chỉ lên đỉnh núi, giới thiệu:
- Kia là Hồng Câu, di tích của thời Hán Sở tranh hùng.
Mọi người cùng nhìn lên, thấy ở đó có một đoạn tường thành quanh co tựa như Vạn Lý trường thành ở Bắc Kinh. Lại thêm một lần nhớ lại sử sách xưa, rằng Hồng Câu là nơi mà vào khoảng 200 năm trước Công nguyên, Sở Bá vương Hạng Vũ và Hán vương Lưu Bang đã lấy làm ranh giới, phân chia  giữa đôi bên: từ Hồng Câu trở về phía Đông thuộc Sở, về phía Tây thuộc Hán. Ngày ấy, Lưu Bang và Hạng Võ trong tình thế đánh nhau bất phân thắng bại, người ngựa mỏi mệt, thấy cần phải nghỉ ngơi dưỡng sức bèn gặp nhau tại Hồng Câu - một con kênh ở ven sông Hoàng Hà để thỏa thuận chia đôi thiên hạ.


        Tượng Viêm Hoàng, một trong những điểm du lịch nổi tiếng bên bờ sông Hoàng Hà
Du thuyền giảm tốc độ, chạy từ từ và cuối cùng trườn nhẹ nhàng lên một cồn cát rộng. Những nông dân người dân tộc Hồi chạy ùa ra đón các vị khách phương xa. Họ dắt theo những con ngựa cao lớn, rối rít mời du khách ngồi lên ngựa phi nước đại trên “thảo nguyên” của mình hoặc ngồi lên mình ngựa để chụp hình. Nhiều người trong chúng tôi đã vui vẻ móc ra 10 tệ để chụp hình với những chú ngựa ô đen tuyền hùng dũng. 15 phút giải trí, vui chơi, chụp hình lưu niệm kết thúc. Những nông dân chủ nhân của hòn đảo cát tiễn các vị khách phương xa bằng một tràn pháo nổ giòn giã và bằng những cái vẫy tay thân thiết. Chúng tôi lên du thuyền, trở lại nơi xuất phát là quảng trường Viêm Hoàng. Trên đường về, Lý Xuân Lâm nói sau này nếu chúng tôi có dịp trở lại chốn này, anh sẽ đưa đi thăm tượng một bà mẹ đang bú mớm cho con gọi là Bố Dục tượng. Đó là một hình ảnh mang tính chất ẩn dụ bà mẹ Hoàng Hà với dòng nước đầy chất phù sa đã nuôi dưỡng hàng bao thế hệ người dân Trung Hoa.
Lên xe, ngoái nhìn con sông Hoàng Hà lùi xa qua cửa kính, bất chợt tôi nhớ đến hai câu trong bài thơ Tương tiến tửu của đại thi hào Lý Bạch:
Quân bất kiến Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai/Bôn lưu đảo hải bất phục hồi. (Bạn có thấy không, nước sông Hoàng Hà từ trên trời chảy xuống/Chảy ra đến biển không quay trở lại)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét