Trung Quốc đang đói hàng Việt Nam
Với qui mô 1,3 tỷ dân và riêng khu vực nông thôn lên tới 700 triệu người, thị trường Trung Quốc như một miếng bánh tiêu dùng đầy hấp dẫn. Khi được mệnh danh là công xưởng của cả thế giới thì nhu cầu cho nguyên vật liệu gia công xuất khẩu, cho tiêu dùng trong nước là ở mức khổng lồ.
Mặc dù phát triển trước Việt Nam 15 năm, song mô hình kinh tế chính trị của Trung Quốc và Việt Nam lại tương đồng nhau, nền kinh tế cũng đều trong quá trình chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Mô hình kinh tế của Trung Quốc cũng là mô hình hướng ra xuất khẩu với cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu nhiều nét giống nhau.
Đặc biệt, các hình thái thương mại cũng phong phú, đa dạng như nhau, từ việc buôn bán nhỏ lẻ, trao đổi hàng hóa giữa dân cư ở biên giới hai nước, các chợ đầu mối, chợ bán buôn, rồi tới các siêu thị đẳng cấp... Song, đâu sẽ là cái ngách cho hàng Việt phát triển ở Trung Quốc?
Trung Quốc "đói" cao su, sắn, cà phê từ Việt Nam
Theo thống kê của Bộ Công Thương, ít nhất có 5 nhóm hàng hóa mà Trung Quốc rất cần nhập từ Việt Nam, đó là nông sản, đồ gỗ cao cấp, thủy hải sản, thực phẩm chế biến và hàng tiêu dùng.
Trong nhóm nông sản, cây cao su của Việt Nam đã trở nên nổi tiếng ở Trung Quốc hơn 20 năm qua, dù có nhiều thăng trầm do chính sách buôn bán không ổn định của nước này.
Vụ Phó Vụ thị trường châu Á - Thái Bình Dương Đào Ngọc Chương hồ hởi cho biết: "Đến giờ, Trung Quốc đã trở thành thị trường lớn nhất đối với Việt Nam ở mặt hàng cao su, mỗi năm tiêu thụ trên 1 tỷ USD. Nhờ đó mà ngành trồng và chế biến cao su của ta phát triển tốt, từ miền Đông Nam Bộ đến các tỉnh biên giới phía Bắc, ta còn đầu tư cả sang Lào, Campuchia, Malaysia."
Tuy nhiên, ông nói: "1 tỷ USD cao su xuất khẩu của Việt Nam cũng mới chỉ đáp ứng 40% nhu cầu Trung Quốc thôi!"
Theo vị chuyên gia thương mại này, cao su là đầu vào cơ bản của những ngành công nghiệp xe hơi, đồ gia dụng, phục vụ dân sinh, là những ngành phát triển cao ở Trung Quốc. Trong khi đó, do địa hình và khí hậu nên không cho phép Trung Quốc phát triển ngành này. Cây cao su của Trung Quốc cũng có nhưng năng suất thấp. Với tình hình hiện nay, mức phụ thuộc của ngành cao su ở Trung Quốc là rất lớn. Thậm chí đến nay, Trung Quốc còn mua cả săm lốp của Việt Nam thay vì nhập nguyên liệu như trước. Rõ ràng, đó là cơ hội lớn cho Việt Nam.
Câu chuyện thứ 2 mà vì chuyên gia này dẫn chứng, đó là mặt hàng sắn lát. Ông Chương kể : "Trong mấy năm nay, sắn lát Việt Nam sang Trung Quốc tăng là một cách chóng mặt, như một hiện tượng bất thường. Theo thống kê của hải quan, từ năm 2007 đến nay, tốc độ phát triển kim ngạch sắn lát đã tăng phi mã. Chưa bao giờ mặt hàng này lại trở thành là hàng xoá đói giảm nghèo của Việt Nam như vậy, khi mà kim ngạch đạt 500 triệu USD 2008- 2009 và ước năm 2011 này, cũng 700-800 triệu USD."
Phân tích về nhu cầu của người Trung Quốc, ông Chương cho biết, khủng hoảng năng lượng buộc nước này phải đa dang hóa các loại nhiên liệu. Ngoài than đá, xăng dầu, Trung Quốc phải sử dụng tăng cường xăng ethanol, chế ra từ sắn nên có thể nói, nhu cầu của nước này về sắn lát rất ổn định. Trung Quốc đã xây dựng những nhà máy Ethanol, công suất 1,5- 2, triệu tấn sắn lát và rõ ràng, ngành công nghiệp này sẽ không thể phát triển nếu thiếu nguồn sắn lát.
Mít sấy là một mặt hàng rất "chạy" của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc. |
"Có thể do vận tải, do bảo quản, nhưng qua theo dõi tổng hợp, chúng tôi thấy lượng của ta xuất sang chưa đủ nhu cầu của Trung Quốc," ông cho hay.
Bên cạnh đó, những mặt hàng khác như hạt tiêu, đào lộn hộn Việt Nam ở Trung Quốc giờ vẫn là thị trường của người bán, cà phê Việt Nam giờ đây bắt đầu thịnh hành khi tầng lớp trẻ của Trung Quốc thay đổi thói quen sinh hoạt, thích các đồ uống ở nơi công sở, văn phòng, nhất lại tại các trung tâm kinh tế và thành phố lớn. Bắc Kinh vào ngày Tết, người dân thường vào siêu thị mua quà tết và trong đó, có cả mít sấy khô Vinamit của Việt Nam, có chuối khô, bánh đậu xanh Hải Dương của Việt Nam... Người dân Trung Quốc sang Việt Nam rất thích mang gỗ lưu niệm và café Việt Nam để làm quà.
Năm tới, Việt Nam có thể xuất mạnh gạo chất lượng cao sang Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn quản lý nhập gạo bằng quota nên chủ yếu, các doanh nghiệp Việt chỉ xuất khẩu qua biên mậu. Tới đây, khi giá trị gạo của ta nâng lên, nhu cầu của bạn tăng thì gạo có thể xuất khẩu mạnh được.
Rút khoảng cách nhập siêu từ những mặt hàng nhỏ
Không ít ý kiến cho rằng, nếu Việt Nam chỉ dựa mãi vào ngành nông lâm thủy sản, giá trị thấp để xuất khẩu sang Trung Quốc thì bao giờ mới "rút ngắn" khoảng cách nhập siêu ?
Hiện nay, xuất khẩu nhóm hàng này sang Trung Quốc chỉ chiếm 15% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang nước này, còn lại, 55% là thuộc về nhóm nguyên nhiên liệu và 10% là nhóm công nghiệp. Tuy nhiên, trong cả 3 nhóm này thì nông lâm sản vẫn là nhóm hàng mà Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh nhất. Đối với 1 quốc gia có chung đường biên giới dài 1450km này, có qui mô dân số lớn nhất thế giới và gấp 13-14 lần Việt Nam, việc xuất khẩu thành công 1 mặt hàng dù nhỏ cũng sẽ góp phần giảm nhập siêu và đẩy mạnh thương hiệu hàng Việt ra nước ngoài.
Theo khuyến nghị của các chuyên gia từ bộ Công thương, có 5 điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam thành công với thị trường Trung Quốc ở nhóm này: phải có hệ thống kho tàng, nhà xưởng, cơ sở vật chất, có hợp đồng thu mua nông sản ổn định, có đầu tư xây dựng công nghệ sản xuất, chế biến, có chiến lược xây dựng, quảng bá và đăng ký thương hiệu và cuối cùng, cần có chiến lược thâm nhập, phát triển thị trường.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét